Khu vực kẽ nứt thung lũng Đông Phi tại Tanzania, nơi phát hiện mỏ heli với trữ lượng 1,5 tỉ mét khối - Ảnh: SCI-NEWS |
Giáo sư Chris Ballentine của đại học Oxford cho biết nhiều nhóm chuyên gia khác nhau ước tính trữ lượng heli tại mỏ này lên đến 1,5 tỉ m3. Theo ông Ballentine, mỗi năm thế giới chỉ sử dụng khoảng 226 triệu m3 khí heli nên phát hiện này đóng vai trò "thay đổi cục diện" về vấn đề cung cấp khí heli.
Hiện nay Cục dữ trữ Helium liên bang Mỹ đang giữ gần 700 triệu m3 khí heli và là nơi cung cấp khí heli lớn nhất toàn cầu. Tính tổng cộng, nước Mỹ hiện giữ khoảng 4,5 tỉ m3 khí heli.
Tờ Sci-Tech dẫn lời nhà nghiên cứu Pete Barry của đại học Oxford nhận xét: "Phát hiện này đến rất đúng lúc, để đáp ứng nhu cầu sử dụng khí heli hiện nay".
Khí heli được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, dùng trong công nghệ hàng không cho tới năng lượng hạt nhân, bơm bong bóng và nhất là trong các máy chụp cộng hưởng từ.
Theo đại học Oxford, lượng khí heli vừa tìm được chắc chắn đảm bảo vận hành cho 1,2 triệu máy chụp cộng hưởng từ dùng trong các bệnh viện.
Đại học Oxford cho biết đây là lần đầu tiên người ta cố ý tìm kiếm khí heli và đã thành công. Trước đây, khí heli chủ yếu chỉ được tìm thấy trong quá trình khoan giếng dầu hay khí đốt, với những lượng rất nhỏ.
Heli được xếp vào nhóm khí hiếm và đã có thời người ta cấm Công viên Disney tại Nhật Bản dùng khí này để bơm bong bóng.
Phát hiện này được thực hiện dưới sự phối hợp của các nhà khoa học tại đại học Oxford và công ty thám hiểm Helium One đặt tại Na Uy. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng sức nóng của các núi lửa tại kẽ nứt thung lũng Đông Phi tại Tanzania giải phóng khí heli trong lớp đá cổ rồi giam nó trong các tầng khí thấp. Dự kiến công nghệ phát hiện khí heli này sẽ được tiếp tục áp dụng ở nhiều nơi khác trên thế giới.
(Nguồn: tuoitre.vn)
(Nguồn: tuoitre.vn)